Tổng quan về Chiến lược “Trung Quốc + 1”
Sau vài thập kỷ nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư và triển khai kế hoạch “Made in China 2025”, Trung Quốc đã thành công vươn lên trở thành nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới. Với thế mạnh về chi phí sản xuất thấp, nguồn nhân lực dồi dào, số lượng nhà máy lớn Trung Quốc được mệnh danh là công xưởng lớn của thế giới. Theo số liệu công bố bởi Bộ phận thống kê của Liên hợp quốc, Trung Quốc chiếm tới 28,7% sản lượng sản xuất của thế giới. Từ những năm đầu 2000, do căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản, chiến lược “Trung Quốc+ 1” ra đời nhằm khuyến khích các nhà đầu tư Nhật đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Thời điểm đó, chiến lược này chỉ xuất hiện ở một số các quốc gia Châu Á có mâu thuẫn với Trung Quốc, và chưa thực sự được các quốc gia phương Tây đánh giá cao.
Tuy nhiên, cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế, Trung Quốc cũng đang mất dần đi nhiều lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư. Đặc biệt, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát từ cuối năm 2020 và kéo dài đến nay, chính sách “Zero-Covid” của Trung Quốc đã khiến nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài tại đây rơi vào cảnh khó khăn, bế tắc. Điều này đòi hỏi các tập đoàn đa quốc gia phải nhanh chóng đưa ra một chiến lược thích ứng phù hợp đó là tìm kiếm một sự lựa chọn thứ hai cho nguồn cung ứng của họ để giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Đây chính là tiền đề thúc đẩy Chiến lược “Trung Quốc + 1” trở thành xu hướng chính hiện nay, và là một trong những mối quan tâm và tập trung hàng đầu của các tập đoàn đa quốc gia.
Chiến lược “Trung Quốc + 1” là chiến lược kinh doanh khuyến khích các nhà đầu tư đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ và giảm sự phụ thuộc vào một quốc gia. Chính vì vậy, Việt Nam đã trở thành điểm đến hàng đầu để đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nhờ vào vị trí chiến lược và lợi thế về vận chuyển, nguồn nhân lực trẻ và chi phí sản xuất thấp.
Các yếu tố khiến Trung Quốc đang mất dần vị thế “công xưởng lớn của thế giới”
a. Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc
Cuộc chiến tranh thương mại này khiến giá thành sản phẩm và linh kiện từ Trung Quốc tăng cao, khiến các doanh nghiệp phải tìm kiếm các quốc gia thay thế. Việt Nam là một trong những quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chiến thương mại này. Sản lượng xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ đã tăng từ 41.6 tỉ đô la Mỹ vào năm 2017 lên đến 96.3 tỉ đô la Mỹ vào năm 2021.
Ngày 2/9/2022, chính quyền của Tổng thống Joe Biden xác nhận họ sẽ giữ nguyên chính sách thuế quan đưa ra dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump với hàng trăm tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, theo yêu cầu của các doanh nghiệp trong nước.
b. Dân số già hóa của Trung Quốc
Dân số già hóa của Trung Quốc cùng với số lượng lớn công nhân nghỉ hưu là những yếu tố chính trong chiến lược Trung Quốc + 1. Theo dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố vào tháng 1 năm 2022, tỷ lệ dân số trên 65 tuổi đã tăng từ 9,1% vào năm 2011 lên 14,2% năm 2021, cho thấy dân số trong độ tuổi lao động đang giảm dần.
c. Chính sách Zero-Covid
Với việc tình hình dịch bệnh đã được cải thiện, trong khi các doanh nghiệp trên thế giới đã hoạt động trở lại bình thường thì Trung Quốc vẫn đang đóng cửa biên giới của mình theo chính sách Zero-Covid. Điều này đã dẫn đến sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu và khuyến khích các nhà đầu tư đa dạng hóa các nhà cung cấp để giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Việt Nam với những lợi thế riêng đang là ứng viên sáng giá cho Chiến lược “Trung Quốc + 1”
Trong bối cảnh “công xưởng lớn của thế giới” đang dần mất đi vị thế độc tôn của mình, Việt Nam đã vươn lên như một điểm sáng cho các nhà đầu tư nước ngoài đang tìm kiếm thêm một trung tâm sản xuất bên cạnh Trung Quốc. Có rất nhiều lý do khiến Việt Nam có thể được coi là điểm đến đầy hứa hẹn của các nhà đầu tư:
1. Việt Nam là một trong những thị trường lao động lớn nhất ASEAN
Với dân số gần 100 triệu người, Việt Nam là một trong những thị trường lao động lớn nhất ASEAN đang trong giai đoạn “dân số vàng” với tỷ lệ tham gia lao động là 68,1%.
Mức lương tối thiểu của Việt Nam cũng là một trong những mức thấp nhất trong khu vực. Việt Nam quy định mức lương tối thiểu theo 4 vùng, dao động từ 140 USD đến 202 USD. So với các quốc gia khác: Malaysia ($275), Thái Lan ($292.9), Indonesia ($307.3), và Philippin ($308.2), chúng ta có thể thấy sức hấp dẫn của lực lượng lao động của Việt Nam khi nhìn vào sự chênh lệch của mức lương tối thiểu.
2. Khoảng cách địa lý chiến lược
Khoảng cách địa lý giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng là một yếu tố quan trọng. Ở khu vực miền Bắc, Hải Phòng cách Thâm Quyến – trung tâm sản xuất của Trung Quốc khoảng 865 km, gần hơn nhiều so với các địa điểm khác như Băng Cốc ở Thái Lan (2748 km), Phnôm Pênh ở Campuchia, Kuala Lumpur ở Malaysia (3023 km) hay Jakarta ở Indonesia (3299 km). Bằng cách nội địa hóa các nhà máy gần các trung tâm truyền thống ở Trung Quốc đại lục, các nhà đầu tư có thể tối ưu hóa chi phí sản xuất đồng thời hạn chế sự gián đoạn hoặc chậm trễ đối với chuỗi cung ứng hiện tại.
3. Ưu đãi thuế tại Việt Nam
THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP (TNDN) | Thuế thu nhập doanh nghiệp (CIT) tiêu chuẩn là 20% khi so với 30% ở Philippines, 24% ở Malaysia và 25% ở Indonesia. |
ƯU ĐÃI THUẾ THEO VÙNG | Các khu vực xa Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh được xếp vào khu vực khó khăn về kinh tế. Các nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp tại những địa điểm này có thể được hưởng lợi từ việc giảm thuế suất.
Đối với các khu vực khó khăn: Đối với những khu vực đặc biệt khó khăn: |
ƯU ĐÃI THUẾ THEO NGÀNH NGHỀ | Đối với ngành công nghiệp công nghệ cao: • 10% thuế TNDN trong 15 năm • Miễn thuế TNDN trong 4 năm • Giảm 50% thuế TNDN phải nộp trong 9 năm tiếp theoĐối với các ngành nông nghiệp: Thuế suất 15% cho thời gian tồn tại của dự án sẽ được áp dụng cho thu nhập đến từ các ngành chăn nuôi, chế biến nông sản, trồng trọt và nuôi trồng thủy sản. |
4. Các Hiệp định thương mại tự do (FTAs)
Với 15 hiệp định thương mại tự do (FTAs) đã ký kết và một số hiệp định đang trong quá trình đàm phán, Việt Nam chính thức trở thành một trong những nền kinh tế mở nhất khu vực Đông Nam Á.
Trong số tất cả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký trong những năm qua, có 3 hiệp định đã góp phần tạo thêm động lực thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển chuỗi cung ứng của họ vào Việt Nam bao gồm:
- Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)
- Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)
- Hiệp định thương mại tự do Liên minh Châu Âu-Việt Nam) (EVFTA)
Ngoài những lợi ích rõ ràng của việc thúc đẩy thương mại với các quốc gia khác và biến Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn, các hiệp định thương mại tự do này cũng sẽ cho phép nền kinh tế Việt Nam dịch chuyển từ xuất khẩu các sản phẩm sản xuất công nghệ thấp sang hàng hóa công nghệ cao hơn.
Làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/8/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 16,8 tỷ USD.
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 10,7 tỷ USD, chiếm 63,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo là ngành kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư trên 3,3 tỷ USD. Lần lượt theo sau là các ngành hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ; thông tin truyền thông với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là gần 620,8 triệu USD và 518,9 triệu USD.
Điều này cho thấy xu hướng đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài vào các ngành sản xuất vẫn chiếm ưu thế.
Những năm gần đây, chúng ta được chứng kiến làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng với nhiều dự án FDI giá trị lớn đổ vào lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam. Tiêu biểu cho làn sóng này là những đại diện đến từ Mỹ, Hàn Quốc và Đan Mạch.
Mỹ
Vào năm 2020, tập đoàn chuyên sản xuất và cung cấp linh kiện hàng không của Mỹ – Universal Alloy Corporation (UAC) đã đầu tư hơn 170 triệu USD vào nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine tại Đà Nẵng.
Cũng vào năm 2020, Foxconn – nhà sản xuất của Apple đã ghi nhận dịch chuyển một số hoạt động lắp ráp MacBook VÀ iPad sang Việt Nam theo yêu cầu của công ty này. Hay vào tháng 10 năm 2022, Apple thông báo rằng họ sẽ bắt đầu sản xuất các sản phẩm Apple Watch và MacBook của hãng tại Việt Nam trong một nỗ lực nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Trước đó vào đầu năm 2019, Goertek – hãng lắp ráp tai nghe AirPods của Apple tại Trung Quốc đã bỏ ra 260 triệu USD để đầu tư xây dựng một nhà máy sản xuất mới tại Khu công nghiệp Quế Võ, xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh. Đây là một trong những động thái nhằm né những đòn áp thuế mạnh mẽ của Mỹ lên các sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc.
Hàn Quốc
Các nhà sản xuất lớn nhất của Hàn Quốc, bắt đầu với Tập đoàn Samsung, đã đổ hàng tỷ USD vào các nhà máy Việt Nam như một sự lựa chọn thay thế cho Trung Quốc. Kể từ năm 2007, Samsung đã đầu tư khoảng 9.5 tỷ USD vào Việt Nam và sản xuất hơn 150 triệu chiếc điện thoại thông minh tại các nhà máy ở Bắc Ninh và Thái Nguyên. Gần đây nhất, Tổng Giám đốc Tập đoàn Samsung đã cho biết sẽ triển khai từng bước việc đầu tư 3,3 tỷ USD vào Việt Nam trong thời gian tới chuẩn bị sản xuất thử các sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn tại Việt Nam từ tháng 7 năm 2023, đánh dấu mảng kinh doanh sản xuất thứ ba của hãng tại Việt Nam sau điện thoại thông minh và thiết bị gia dụng.
Trước đó vào cuối năm 2018 – khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nổ ra, tập đoàn Hanwah đã khánh thành nhà máy Hanwha Aero Engines tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc với tổng vốn đầu tư 200 triệu USD.
Đến hết năm 2021, tổng vốn đầu tư của Hàn Quốc tại Việt Nam là hơn 74 tỷ USD với hơn 9200 dự án. Đối với các nhà đầu tư Hàn Quốc, Việt Nam đang dần trở thành một thị trường tiềm năng với chi phí nhân công rẻ và ít rủi ro về chính trị.
Đan Mạch
Tháng 5 năm 2022, Pandora – thương hiệu trang sức Đan Mạch đã ký thỏa thuận xây dựng cơ sở chế tác trang sức mới tại khu công nghiệp Việt Nam Singapore 3, Bình Dương với tổng giá trị đầu tư lên đến 100 triệu USD. Đây là cơ sở sản xuất thứ ba của hãng và là cơ sở đầu tiên bên ngoài Thái Lan.
Sáng 3/11/2022, Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) tổ chức lễ khởi công xây dựng nhà máy mới tại tỉnh Bình Dương. Với tổng giá trị đầu tư lên đến 1.78 tỉ USD, Đan Mạch đã trở thành một trong năm nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam.
Theo bà Lina Hansen – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đan Mạch, một trong những lý do Việt Nam trở thành điểm đầu tư hấp dẫn Đan Mạch là do các cam kết mạnh mẽ của Chính phủ tại COP26 trong việc đưa mức phát thải ròng về 0 (net zero target) vào năm 2050. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam – Đan Mạch, Thái tử Frederik và Công nương Phu nhân đã có chuyến thăm Việt Nam từ ngày 31/10/2022 đến ngày 3/11/2022. Trong chuyến thăm, Thái thử Frederick đề cao nỗ lực của Việt Nam nhằm thực hiện các cam kết giảm phát thải và mong muốn có cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo cũng như tăng trưởng xanh.
Những con số trên cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài vẫn có niềm tin lớn vào nền kinh tế và tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam. Theo một cuộc khảo sát gần đây do Standard Chartered thực hiện, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục khẳng định Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng trong thương mại quốc tế cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu.
Triển vọng phát triển của Việt Nam
Trong buổi hội thảo do Bộ Ngoại giao và Ngân hàng Standard Chartered tổ chức, ông Tim Leelahaphan – chuyên gia kinh tế của Standard Chartered phụ trách Thái Lan và Việt Nam đã phát biểu rằng “Nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ vào năm 22022“, bắt đầu từ cuối năm quý đầu tiên. Tốc độ tăng trưởng dự kiến đạt 6,7% vào năm 2022 và 7% vào năm 2023. Triển vọng trung hạn của Việt Nam vẫn tích cực và đầu tư vào Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi trong năm nay sau một thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.”
Trong những năm gần đây, chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp trong và ngoài nước, thúc đẩy hồi phục phát triển kinh tế mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19. Những thành công ban đầu trong việc kiểm soát dịch bệnh, chính trị ổn định, môi trường kinh doanh không ngừng cải thiện, cùng các điều kiện khuyến khích thương mại và đầu tư quốc tế đã đưa Việt Nam trở thành điểm sáng thu hút FDI trên trường quốc tế.
Ông Thierry Mermet – CEO của Source of Asia nhận định: “Nhằm thu hút dòng vốn FDI về Việt Nam, chính phủ cần xem xét và điều chỉnh các chính sách đầu tư nước ngoài để có thể bắt kịp với những biến động của nền kinh tế toàn cầu. Một trong những yếu tố quan trọng trong việc củng cố niềm tin của các nhà đầu tư vào thị trường Việt Nam chính là khả năng tháo gỡ những khúc mắc các doanh nghiệp gặp phải và hỗ trợ kịp thời từ chính phủ để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, các doanh nghiệp trong nước cũng cần đầu tư đào tạo bổ sung nguồn nhân lực tay nghề cao để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh với các quốc gia khác.”
Tài liệu tham khảo:
https://vnexpress.net/dan-mach-muon-tang-hop-tac-voi-viet-nam-trong-linh-vuc-tang-truong-xanh-4530526.html
https://www.mpi.gov.vn/en/Pages/tinbai.aspx?idTin=55118&idcm=122
https://mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM238888
Tổng cục thống kê
————
Chuyên mục “Góc nhìn thị trường” do Source of Asia phối hợp cùng VCCI-HCM mở ra nhằm chia sẻ, cập nhật những thông tin mới nhất về các thị trường quốc tế tiềm năng cho các DN hội viên của VCCI-HCM.